💢💢💢 Phường Tân Phú: Triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS ngày 01 tháng 12
============================
💢💢💢 Mục tiêu:
Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân.
Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
💢 HIV/AIDS là gì?

- HIV là tên viết tắt của virus gây suy giảm miễn dịch ở người. HIV lây nhiễm và tấn công các tế bào trong hệ thống miễn dịch như đại thực bào, tế bào lympho T khiến cơ thể không thể chống lại các bệnh cơ hội khác.
- AIDS là giai đoạn cuối cùng và nghiêm trọng nhất của nhiễm HIV. Người mắc AIDS có số lượng tế bào bạch cầu rất thấp và hệ thống miễn dịch bị tổn thương nghiêm trọng.
=> Nếu không điều trị, nhiễm HIV sẽ tiến triển thành AIDS trong khoảng 10 năm.
💢 Nguyên nhân
- HIV là bệnh do virus HIV gây ra, đây là virus thuộc họ retroviridae, nó có thể lây lan qua quan hệ tình dục, tiêm chích ma túy hoặc dùng chung kim tiêm, tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh hoặc từ mẹ sang con trong khi mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.
- Khi vào cơ thể, virus HIV phá hủy các tế bào T CD4 - các tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể bạn chống lại bệnh tật. Cơ thể càng có ít tế bào T CD4 thì hệ thống miễn dịch sẽ càng trở nên yếu đi.
💢 HIV lây qua con đường nào?
HIV có thể lây truyền qua 3 con đường chính sau đây:
- Qua đường tình dục: Bị máu, tinh dịch hoặc dịch tiết của người nhiễm HIV xâm nhập vào cơ thể khi quan hệ qua âm đạo, hậu môn hoặc miệng.
- Qua đường máu: Dùng chung kim tiêm, các vật sắc nhọn có dính máu của người nhiễm HIV, truyền máu từ người nhiễm HIV.
- Từ mẹ sang con: Mẹ nhiễm HIV có thể truyền virus sang con trong quá trình mang thai, sinh con hoặc cho con bú. Điều trị sớm bằng thuốc kháng virus giúp giảm đáng kể nguy cơ lây truyền virus sang đứa trẻ.
💢 Đối tượng có nguy cơ mắc HIV
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ cao hơn ở những người:
- Quan hệ tình dục không an toàn: Nên dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn nguy hiểm hơn quan hệ tình dục qua đường âm đạo và bạn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn nếu có nhiều bạn tình.
- Mắc các bệnh lây qua đường tình dục (STIs): Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây ra vết loét trên bộ phận sinh dục. Những vết loét này đóng vai trò là cửa ngõ để HIV xâm nhập vào cơ thể bạn.
- Dùng chung kim tiêm: Phổ biến ở những người tiêm chích ma túy bất hợp pháp.
💢 Dấu hiệu nhận biết
Giai đoạn HIV cấp tính
- Một số người bị nhiễm HIV sẽ phát bệnh với các triệu chứng giống như cúm trong vòng 2 đến 4 tuần sau khi virus xâm nhập vào cơ thể và có thể kéo dài trong vài tuần.
Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Sốt.
- Đau đầu.
- Đau cơ và đau khớp.
- Phát ban.
- Đau họng và lở loét miệng.
- Sưng hạch bạch huyết, chủ yếu ở cổ.
- Tiêu chảy.
- Sụt cân bất thường.
- Ho.
- Đổ mồ hôi đêm.
=> Những triệu chứng này có thể nhẹ đến mức người bệnh không nhận thấy được. Tuy nhiên, lúc này lượng virus trong máu khá cao do đó bệnh nhân ở giai đoạn cấp tính dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng hơn các giai đoạn tiếp theo.
💢 Giai đoạn HIV mạn tính
- Virus HIV vẫn tồn tại trong cơ thể và trong các tế bào bạch cầu nhưng chịu tác động của hệ miễn dịch nên không gây ra triệu chứng rõ ràng như giai đoạn cấp.
- Sưng hạch bạch huyết là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của giai đoạn này.
- Giai đoạn mạn tính kéo dài từ vài tuần đến vài năm hoặc có thể lâu hơn phụ thuộc vào việc điều trị với thuốc kháng virus và hệ miễn dịch của từng cá thể.
AIDS
- Khi AIDS xảy ra, hệ thống miễn dịch của cơ thể đã bị tổn hại nghiêm trọng. Cơ thể tăng nguy cơ mắc các bệnh thường không gây bệnh ở người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, chúng được gọi là nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư cơ hội.
Các dấu hiệu và triệu chứng của một số bệnh nhiễm trùng này có thể bao gồm:
- Đổ mồ hôi.
- Ớn lạnh.
- Sốt tái phát.
- Tiêu chảy mạn tính.
- Sưng hạch bạch huyết.
- Đốm trắng dai dẳng hoặc tổn thương bất thường trên lưỡi hoặc trong miệng.
- Mệt mỏi dai dẳng không rõ nguyên nhân.
- Suy nhược cơ thể.
- Sút cân nghiêm trọng bất thường.
- Phát ban trên da.
💢 Biến chứng nguy hiểm
- Nhiễm trùng
Viêm phổi do Pneumocystis (PCP): PCP là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi ở những người nhiễm HIV.
Bệnh nấm candida: Gây viêm và tạo thành một lớp phủ dày màu trắng trên miệng, lưỡi, thực quản hoặc âm đạo.
Bệnh lao: Bệnh lao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người bị AIDS trên thế giới.
Virus Cytomegalo: Đây là virus gây các bệnh nhiễm trùng như thủy đậu, giời leo... Virus herpes phổ biến này được truyền qua các chất dịch cơ thể và gây tổn thương cho các cơ quan như mắt, đường tiêu hóa, phổi,…
Viêm màng não do Cryptococcus: Đây là một bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương phổ biến có liên quan đến HIV.
Toxoplasma: Gây ra bởi Toxoplasma gondii, một loại ký sinh trùng lây lan chủ yếu qua mèo. Toxoplasmosis có thể gây ra bệnh tim và co giật xảy ra khi nó lan đến não.
- Ung thư
Ung thư hạch: Ung thư này bắt đầu trong các tế bào bạch cầu với các dấu hiệu phổ biến nhất là sưng không đau các hạch bạch huyết ở cổ, nách hoặc bẹn.
Ung thư Kaposi: Ung thư này hình thành các khối u có mạch máu nhỏ dưới bề mặt da và trong miệng, mũi, mắt hoặc hậu môn.
Ung thư liên quan đến HPV: Đây là những bệnh ung thư do nhiễm virus HPV ở người gây ra. Bao gồm ung thư hậu môn, miệng và cổ tử cung.
- Các biến chứng khác
Hội chứng suy nhược cơ thể: HIV/AIDS không được điều trị có thể gây ra sụt cân đáng kể, thường kèm theo tiêu chảy, suy nhược mạn tính và sốt.
Biến chứng thần kinh: HIV có thể gây ra các triệu chứng thần kinh như lú lẫn, hay quên, trầm cảm, lo âu và khó khăn khi bước đi. Các rối loạn thần kinh liên quan đến HIV có thể dao động từ nhẹ đến nặng.
Bệnh thận: Viêm thận liên quan đến HIV là một tình trạng viêm cầu thận, có chức năng loại bỏ dịch thừa và chất thải từ máu và đưa chúng vào nước tiểu.
Bệnh gan: Bệnh gan cũng là một biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở những người cũng bị viêm gan B hoặc viêm gan C.
HIV có thể gây suy nhược cơ thể và các biến chứng về gan, thận
💢 Cách chẩn đoán:
HIV có thể được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu hoặc nước bọt. Các xét nghiệm chẩn đoán HIV bao gồm:
- Xét nghiệm kháng thể: Là loại xét nghiệm được tiến hành phổ biến nhất, gián tiếp chỉ ra sự có mặt của HIV thông qua việc phát hiện kháng thể kháng HIV.
- Xét nghiệm trực tiếp: Phát hiện chính bản thân HIV, bao gồm các xét nghiệm kháng nguyên (kháng nguyên p24), nuôi cấy HIV, xét nghiệm acid nucleic của tế bào lympho máu ngoại vi và phản ứng chuỗi polymerase.
- Xét nghiệm máu: Hỗ trợ chẩn đoán và giúp đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch, gồm đếm tế bào T CD4+ và CD8+, tốc độ máu lắng, đếm tế bào máu toàn phần, microglobulin beta huyết thanh, kháng nguyên p24...
- Xét nghiệm phát hiện các bệnh khác: Phát hiện bệnh lây qua đường tình dục và nhiễm trùng cơ hội như giang mai, viêm gan B, lao...
💢 Xét nghiệm HIV ở đâu
Bạn có thể xét nghiệm HIV ở nhiều nơi như trung tâm kiểm soát bệnh tật, các phòng khám lớn, các trung tâm xét nghiệm hoặc các bệnh viện đa khoa tại nơi cư trú.
Tuỳ thuộc vào loại xét nghiệm, kết quả xét nghiệm sẽ có trong vòng vài giờ hoặc vài ngày.
Xét nghiệm HIV bao nhiêu tiền?
Chi phí xét nghiệm HIV phụ thuộc vào nơi xét nghiệm và loại xét nghiệm mà bệnh nhân chọn. Ở Việt Nam, xét nghiệm HIV được miễn phí tại các cơ sở y tế công, nhưng có thể tốn từ 500.000 đến 800.000 đồng tại các cơ sở y tế tư.
💢 Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ: Khi bạn có các dấu hiệu như sốt kéo dài, lở loét miệng liên tục, sút cân bất thường không rõ nguyên nhân hoặc nghi ngờ mình bị nhiễm HIV thì nên đi xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, nếu bạn quan hệ tình dục không an toàn hoặc phát hiện đối phương bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục thậm chí HIV, thì hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế hoặc gặp bác sĩ để khám và chẩn đoán sớm nhất có thể.
Nơi điều trị khi bị nhiễm HIV: Khi nhận thấy các dấu hiệu nhiễm HIV hoặc nghi ngờ mình mắc bệnh thì bạn hãy đến các cơ sở y tế gần nhất, trung tâm y tế dự phòng. Hoặc có thể đến chuyên khoa Truyền nhiễm của các bệnh viện đa khoa tại nơi cư trú để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.
💢 Các phương pháp điều trị HIV
❇️ Thuốc chống virus
❇️ Các thuốc chống virus ức chế sự phát triển và nhân lên của HIV ở những giai đoạn khác nhau trong vòng đời của virus. Hiện nay có một số nhóm thuốc như:
- Các chất ức chế men phiên mã ngược tương tự nucleosid (NRTI): Gồm các thuốc zidovudine, lamivudine…
- Các chất ức chế protease (PI): Gồm các thuốc saquinavir, ritonavir…
- Các chất ức chế men phiên mã ngược phi nucleosid (NNRTI): Gồm các thuốc nevirapine, delavirdine và efavirenz.
- Các chất ức chế men phiên mã ngược nucleotid (NtRTI): Thuốc duy nhất trong nhóm này là tenofovir ức chế cả HIV và viêm gan B.
- Các chất ức chế hoà nhập: Thuốc đầu tiên trong nhóm là enfuvirtide, ức chế được cả những chủng HIV kháng thuốc mạnh nhất.
- Thuốc điều hòa miễn dịch: Làm thay đổi hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể phản ứng với bệnh tật. Các thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch của bệnh nhân HIV gồm: Alpha-interferon, interleukin 2, Ioprinasine..
- Thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh cơ hội
Hầu như người nhiễm HIV lâm vào tình trạng nguy kịch đều do các bệnh cơ hội tấn công nên điều trị các bệnh cơ hội là việc làm cần thiết và cấp bách để tránh tình trạng người bệnh gặp nguy hiểm tính mạng.
- Nhiều thuốc đã được cho phép sử dụng ở bệnh nhân HIV nhằm phòng tránh và điều trị các bệnh cơ hội như: Fluconazol giúp điều trị nấm miệng, Dapson điều trị bệnh viêm phổi do Pneumocystis, Rifabutin giúp phòng ngừa bệnh lao...
💢 Tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị HIV
Tác dụng phụ khi điều trị có thể bao gồm:
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
- Bệnh tim.
- Tổn thương thận và gan.
- Xương yếu hoặc loãng xương.
- Bất thường về nồng độ cholesterol.
- Tăng đường huyết.
- Mất ngủ, khó tập trung.
❇️❇️❇️ Cách phòng tránh HIV
❇️ Bao cao su: Dùng bao cao su là phương pháp bảo vệ hiệu quả nhất chống lại HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
❇️ Chất bôi trơn: Giúp quan hệ tình dục an toàn hơn bằng cách giảm nguy cơ rách âm đạo hoặc hậu môn do khô hoặc ma sát đồng thời ngăn rách bao cao su. Không nên sử dụng các chất bôi trơn gốc dầu (như Vaseline) do có thể khiến bao cao su bị rách.
❇️ Không dùng chung kim tiêm, dụng cụ tiêm chích: Hạn chế được nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu khác như viêm gan C.
PrEP - Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV.
💢💢💢 Chủ đề tháng: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”

Năm 2024, chủ đề được Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) lựa chọn cho Ngày Thế giới phòng, chống AIDS là: “Take the Rights Path”, có thể hiểu là: “Đảm bảo nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”. Theo đó, UNAIDS nhấn mạnh: Lấy nhân quyền làm trung tâm, kết hợp với sự tham gia của cộng đồng, thế giới có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
💢 Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được hiểu như thế nào?
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Theo đó, ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 tập trung tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030. “Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS” không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà có nghĩa là khi AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi đạt được các tiêu chí sau:
- Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. (tương đương dưới 01 người nhiễm mới HIV/100.000 dân).
- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS <1/100.000 dân.
- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con <2%.
💢 Những rào cản nào trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS?
- Trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp giảm tác hại tuy nhiên dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đây là những quần thể ẩn nên rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp cần thiết. Hơn nữa, hành vi nguy cơ của nhóm này rất phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể…
- Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, đã và đang là rào cản trong việc tiếp
cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của cả người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.
- Các rào cản về tài chính và địa lý cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ của những nhóm đích nguy cơ cao. Nhiều người trong các nhóm nguy cơ cao
thường có thu nhập thấp và không có khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, vấn đề giao thông và khoảng cách địa lý cũng là một trở ngại đối với những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế đặc biệt đối với các chương trình dự phòng mang tính then chốt (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đang dựa hoàn toàn vào các dự án viện trợ). Hiện nay Quỹ Bảo hiểm y tế và ngân sách nhà
nước đang chưa có căn cứ để chi trả cho dịch vụ can thiệp này. Thêm vào đó, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn nhiều khó khăn đặc biệt trong bối cảnh lộ trình cắt giảm viện trợ nhanh và mạnh.
💢 Tại sao chọn chủ đề: Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030?
- Chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng và được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể. Trước hết, nó hưởng ứng chủ đề “Take the Rights Path” của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), nhằm nhấn mạnh vai trò của nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. UNAIDS cho rằng việc đặt nhân quyền làm trọng tâm và huy động sự tham gia của cộng đồng sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
- Bên cạnh đó, đây còn là sự tiếp nối cam kết đã được thể hiện rõ tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2021. Tại
hội nghị này, cộng đồng quốc tế, bao gồm Việt Nam, đã thông qua Tuyên bố Chính trị với mục tiêu: “Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Tuyên bố Chính trị nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử và đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng việc tiếp cận các dịch vụ y tế phải đảm bảo tính sẵn có, khả năng tiếp cận, có thể chấp nhận được, có chi phí hợp lý, và đảm bảo chất lượng.
- Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng. Chính phủ đã thông qua Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS, ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006, sửa đổi năm 2020), và chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp can thiệp. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW năm 2021 để tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, thể hiện sự quyết tâm cao độ trong việc thực hiện cam kết chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.
- Để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, Việt Nam đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị
HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao.
Việt Nam cũng đã tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao. Các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS và các kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù này đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế. Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người nhiễm HIV và các đối tác phát triển phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng ngừa
và điều trị HIV.
- Tuy nhiên, một số rào cản vẫn đang tồn tại trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), và những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và hạn chế về tài chính. Bên cạnh đó, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong các chương trình điều trị dự phòng. Các vấn đề này gây trở ngại cho mục tiêu giảm thiểu sự lây lan HIV và đảm bảo chăm sóc cho mọi người dân.
❇️❇️❇️ Chính vì vậy, việc Việt Nam chọn chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS" thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử./.